Chuyên gia giải đáp: Nguyên nhân và dấu hiệu chuyển phôi thất bại

Trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp có tỷ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên có rất nhiều cặp đôi dù thực hiện nhiều lần nhưng vẫn chưa thể mang thai thành công. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu chuyển phôi thất bại là gì? Làm thế nào để tăng tỷ lệ thành công sau khi chuyển phôi? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé. 

1. Chuyển phôi thất bại là gì?

Chuyển phôi là kỹ thuật rất quan trọng nằm trong quy trình thụ tinh nhân tạo, nhằm mục đích đưa phôi vào trong tử cung của người phụ nữ. 

Để đảm bảo tỷ lệ thành công, phôi được chuyển là những phôi được nuôi cấy tới ngày thứ 3 hoặc thứ 5, có thể là phôi tươi hoặc phôi đông lạnh được tạo ra ở chu kỳ trước. 

Quá trình chuyển phôi sẽ được tiến hành khi niêm mạc tử cung có đạt độ dày chuẩn (thường là 9-10mm) và sức khỏe người mẹ đảm bảo cho việc mang thai. 

Sau khi được đưa vào tử cung, phôi sẽ di chuyển và tìm vị trí thích hợp để làm tổ và phát triển. 

Chuyển phôi thất bại là tình trạng phôi không thể phát triển được sau khi được đưa vào tử cung. 

2. Dấu hiệu chuyển phôi thất bại

Sau khi chuyển phôi khoảng 14 ngày, bạn sẽ được bác sĩ hẹn tới bệnh viện để làm xét nghiệm thử thai. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận biết được quá trình chuyển phôi thất bại nếu có những biểu hiện sau đây.

Dấu hiệu chuyển phôi thất bại
Dấu hiệu chuyển phôi thất bại

2.1. Không có các dấu hiệu thai nghén

Một vài ngày sau khi chuyển phôi, nếu phôi làm tổ thành công thì cơ thể chị em sẽ có những sự thay đổi nhất định. Đó là những dấu hiệu của việc mang thai. Do đó, nếu không có những triệu chứng dưới đây thì có thể là dấu hiệu chuyển phôi thất bại:

  • Ngực căng tức, sưng nhẹ, núm vú sẫm màu
  • Thường xuyên buồn nôn, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy
  • Người mệt mỏi, uể oải, hoa mắt, choáng váng,…
  • Thay đổi khẩu vị, thường thèm ăn đặc biệt một món ăn nào đó, nhạy cảm với mùi lạ
  • Thân nhiệt tăng nhẹ
  • Bụng dưới căng chướng, đau âm ỉ

2.2. Rong kinh

Chảy máu âm đạo cũng là dấu hiệu giúp nhận biết quá trình chuyển phôi có thành công hay không

Nếu sau khi chuyển phôi vài ngày mà chị em thấy xuất hiện vài giọt máu hồng ở quần lót thì xin chúc mừng bạn bởi đó có thể là dấu hiệu chuyển phôi thành công. 

Tuy nhiên nếu máu này có màu nâu sẫm, lượng máu ra nhiều kèm theo cảm giác đau bụng thì nhiều khả năng là dấu hiệu ivf thất bại. 

Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài thì cơ thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi do mất máu.

Rong kinh, máu màu nâu sẫm kèm theo cảm giác đau bụng thì nhiều khả năng là dấu hiệu ivf thất bại
Rong kinh, máu màu nâu sẫm kèm theo cảm giác đau bụng thì nhiều khả năng là dấu hiệu ivf thất bại

2.3. Nồng độ hCG thấp

Đây là dấu hiệu chính xác nhất khẳng định bạn có mang thai hay không.

Nếu phôi làm tổ thành công thì nồng độ hormone hCG trong có thể sẽ tăng cao. 

Ngược lại, nồng độ hCG không tăng thì chắc chắn việc chuyển phôi đã thất bại. 

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG sau 2 tuần chuyển phôi. 

3. Nguyên nhân chuyển phôi thất bại nhiều lần

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới IVF thất bại, trong đó phải kể tới các yếu tố sau đây:

3.1. Độ tuổi của người mẹ

Phụ nữ càng lớn tuổi thì số lượng và chất lượng trứng càng suy giảm. Đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới khả năng thụ thai. 

Tỷ lệ chuyển phôi thành công sẽ tỉ lệ nghịch với độ tuổi của người mẹ. Theo thống kê, tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF của phụ nữ trên 40 tuổi chỉ còn khoảng 15%. 

3.2. Chất lượng phôi kém

Chất lượng của phôi là yếu tố quyết định tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Lý do khiến phôi không thể làm tổ và phát triển được là do sai sót trong quá trình thụ tinh, đặc biệt là khi chúng được tạo thành từ trứng và tinh trùng có chất lượng không tốt. Nhiều phôi trông khỏe mạnh song chúng có thể tiềm ẩn những khiếm khuyết ở bên trong. 

Ngoài ra, những bất thường về nhiễm sắc thể của phôi cũng là nguyên nhân dẫn tới thất bại. Với những phôi này khi được chuyển vào tử cung thì sẽ tự thoái triển và bị đào thải ra ngoài. Nguyên nhân dẫn tới bất thường về gen có thể là do di truyền từ bố mẹ hoặc đột biến trong quá trình phôi phân chia sớm. 

Nguyên nhân chuyển phôi thất bại - Do chất lượng phôi kém
Nguyên nhân chuyển phôi thất bại – Do chất lượng phôi kém

3.3. Niêm mạc tử cung bất thường

Kích thước của niêm mạc tử cung là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng làm tổ của phôi. Độ dày của niêm mạc tử cung sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh. 

Thông thường, kích thước lý tưởng nhất để phôi làm tổ là 8-10mm. Nếu nội mạc tử cung quá dày hoặc quá mỏng thì khả năng thất bại khi chuyển phôi là rất cao. 

Ngoài ra, có một số nguyên nhân làm giảm khả năng tiếp nhận phôi của niêm mạc tử cung như: viêm niêm mạc tử cung mãn tính, polyp tử cung,…

3.4. Tử cung không tiếp nhận phôi 

Nhiều bệnh nhân mặc dù có niêm mạc tử cung và phôi đạt chất lượng tốt nhưng vẫn khó đậu thai sau chuyển phôi. Nguyên nhân có thể nằm ở khả năng tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung, cụ thể là lệch cửa sổ làm tổ. 

Điều này có thể được giải thích như sau: Trong một chu kỳ kinh nguyệt thì niêm mạc tử cung chỉ có thể tiếp nhận phôi làm tổ ở một khoảng thời gian nhất định (hay còn gọi là cửa sổ làm tổ). Do đó, để có thể bám được vào tử cung và phát triển thì phôi cần được chuyển vào giai đoạn này. 

Tử cung không tiếp nhận phôi 
Tử cung không tiếp nhận phôi

3.5. Tình trạng sức khỏe của người mẹ không đảm bảo

Thụ tinh ống nghiệm là kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn. Trong quá trình thực hiện có thể có nhiều yếu tố tác động tới tâm lý khiến chị em dễ bị stress, lo âu. Điều này sẽ khiến nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn, ảnh hưởng đến chất lượng trứng và niêm mạc tử cung, từ đó làm giảm khả năng thụ thai.

4. Nên làm gì sau khi chuyển phôi thất bại

Nếu quá trình thất bại thì bạn vẫn có thể thực hiện IVF thêm nhiều lần nữa. Thông thường nếu tình trạng sức khỏe của người mẹ đảm bảo và độ dày của niêm mạc tử cung đạt chuẩn thì bạn có thể tiến hành chuyển phôi tiếp vào chu kỳ tiếp theo. 

Để tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ở những lần tiếp theo, bạn cần lưu ý những điều sau:

4.1. Tìm hiểu nguyên nhân chuyển phôi thất bại

Biết được chính xác nguyên nhân thất bại sẽ giúp tăng cơ hội thành công ở những lần chuyển phôi tiếp theo. 

Vợ chồng bạn cần trao đổi trực tiếp bác sĩ điều trị để tìm hiểu nguyên nhân khiến quá trình chuyển phôi của bạn thất bại là gì để từ đó có phương án xử lý phù hợp.

  • Nếu nguyên nhân thất bại là do hệ miễn dịch thì bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để điều trị
  • Nếu nguyên nhân xuất phát từ tình trạng tử cung thì bác sĩ sẽ có phương án can thiệp phù hợp.
  • Nếu do chất lượng phôi kém thì có thể áp dụng các kỹ thuật như chuyển phôi ngày 3-6, làm xét nghiệm di truyền để kiểm tra bất thường về gen, sử dụng kỹ thuật để giúp phôi thoát màng,…

4.2. Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ

Hành trình tìm con chưa bao giờ là dễ dàng với những cặp đôi hiếm muộn cả. Do đó vợ chồng bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước mọi tình huống. Đừng quá lo lắng nếu lần đầu chuyển phôi không thành công vì bạn còn rất nhiều cơ hội nữa. 

Hãy nhớ, trạng thái tinh thần của bạn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng thành công khi chuyển phôi. Tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm. 

Ngoài ra, thực tế có một số cặp vợ chồng sau nhiều lần chuyển phôi thất bại lại vô tình đậu thai một cách tự nhiên. Vì vậy, bạn hãy lạc quan lên nhé!

Tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm
Tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm

4.3. Tăng cường sức khỏe cho cả 2 vợ chồng

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc chuyển phôi thất bại là do chất lượng trứng và tinh trùng kém. Vì vậy, để đảm bảo khả năng thành công khi thực hiện IVF, các cặp đôi cần có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe để giúp tăng cường chất lượng của trứng và tinh trùng. Cụ thể:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho trứng và tinh trùng như thực phẩm giàu acid folic, protein, rau xanh, trái cây,… Đồng thời hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp,…
  • Luyện tập thể dục điều độ, vừa sức.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sớm những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
  • Tránh xa thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích,…
  • Bổ sung thêm Vitamin: Bên cạnh việc ăn uống đủ chất, bạn có thể tham khảo bổ sung thêm một số loại vitamin và khoáng chất tốt cho sự phát triển của trứng và tinh trùng như Vitamin C, D, B12, acid folic, L-arginine,… 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *